Types of Characters in Vietnamese Hát Bội: A Quick Guide

Types of Characters in Vietnamese Hát Bội: A Quick Guide

Scroll

Mô hình nhân vật trong nghệ thuật hát bội Việt Nam

“Hát bội” là một trong các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam, có bề dày lịch sử phát triển lâu đời, có phạm vi ảnh hưởng sâu rộng. Cũng như các loại hình nghệ thuật truyền thống khác, sân khấu hát bội cũng tích hợp trong nó những giá trị thẩm mỹ thể hiện bản sắc của dân tộc Việt, phản ánh đời sống, tâm tư và những khát vọng nhân văn của con người Việt.
Trong nghệ thuật sân khấu nói chung, sân khấu hát bội nói riêng, nhân vật có vai trò vô cùng quan trọng. Nhờ có nhân vật mà những yếu tố khác như cốt truyện, hành động, ngôn ngữ… được biểu hiện đầy đủ nhất đến người xem. Từ mô hình nhân vật, người diễn viên sẽ nắm bắt được những thông tin thiết yếu để chọn lựa mô hình hát - nói, mô hình vũ đạo, mô hình hóa trang tương ứng.

Mô hình kép

“Kép” là thuật ngữ chỉ nhân vật thuộc giới tính nam. Ngoại hình kép thông thường là nam thanh niên hoặc trung niên, hóa trang mặt sạch (dùng râu để phân biệt). Đây là kiểu hóa trang tối giản, được vận dụng để thể hiện nhân vật có tướng mạo khôi ngô, hoặc bình thường; thường là nhân vật tâm lý không dùng các điểm nhấn hóa trang để bộc lộ tính cách. Tương ứng với mô hình kép là kiểu kỹ thuật hát - nói trong sáng, nho nhã. Các nhân vật tiêu biểu thuộc mô hình kép (còn gọi là kép trắng) là Tiết Đinh San, Tiết Ứng Luông (Thần Nữ dâng Ngũ linh kỳ); Bá Ấp Khảo (Bá Ấp Khảo); v.v..

Kép đỏ

Là mô hình nhân vật dựa trên hoàn toàn các đặc điểm của mô hình kép (kép trắng), tuy nhiên hóa trang màu nền trên mặt nhân vật thường đỏ tươi hay đỏ hồng. Đây là kiểu nhân vật bộc lộ cá tính trung nghĩa, khí phách trong quan niệm hóa trang hát bội. Ví dụ: Quan Vũ (Tử chiến Phàn thành); Đổng Kim Lân (San Hậu); Cao Hoài Đức (Trảm Trịnh Ân); v.v..

Kép xanh

Kép xanh/kép rừng/kép núi: Mặt thường xám nhạt hoặc xanh lục; mắt - mày vẽ xếch (tùy theo truyền thống tạo hình nhân vật của địa phương, đơn vị biểu diễn). Kiểu nhân vật này thường mang tác phong quê mùa, mộc mạc chân chất, màu hóa trang xám nhạt và xanh để biểu lộ xuất thân dân dã, nông phu, sơn cước. Ví dụ: Khương Linh Tá (San Hậu); Châu Sáng (Thất Nam Dương thành); v.v..

Kép tròng xéo đỏ

Là mô hình kép vượt qua khỏi những đặc điểm chung và có nhiều biện pháp “khoa sức” trong hóa trang. Màu nền mặt đỏ; có tròng mắt trắng và kiểu chân mày cách điệu, xếch lên thái dương. Sở dĩ có sự đặc biệt này vì đây là kiểu nhân vật thiếu niên, có tướng diện phi thường gắn với tài năng hơn người. Có thể kể đến như nhân vật Phàn Diệm (San Hậu); ngoài ra nhân vật Trịnh Ấn (Trảm Trịnh Ân) cũng là một dạng kép tròng xéo nhưng có màu nền gương mặt là xám tro hoặc đen. Kiểu kép tròng xéo này hay còn gọi là “kép con” và hầu như thường xuất hiện trong sự đối sánh với một nhân vật lớn tuổi hơn (có thể là cha ruột - như Phàn Định Công, Trịnh Ân), diện mạo phi thường hơn nhằm “dự báo” tài năng phát tiết khi họ trưởng thành.

Other types of “kép

Ngoài ra còn có các mô hình nhánh khác như kép nước, kép trắng, kép thư sinh, kép pha, kép em, v.v. nhưng các loại nhân vật này thường ít gặp hoặc không phải điểm nhấn nhân vật trong kịch bản.

Mô hình lão

“Lão” là kiểu nhân vật nam (kép) cao tuổi; hóa trang phần lớn là mặt sạch; chân mày kẻ bạc trắng; ngoại hình râu tóc bạc; tác phong chậm chạp; hát - nói khàn.
Ngoài ra, để cụ thể hóa các tiêu chí khác của kỹ thuật biểu hiện mô hình nhân vật lão, chúng ta còn phân hóa ở mức độ chi tiết hơn như sau:

Lão văn

Mang đầy đủ những đặc điểm chung của mô hình nhân vật lão: Mặt trắng, râu bạc, ba hoặc năm chòm dài, suôn mượt; có học thức; tác phong nho nhã. Ví dụ: Vương Doãn; Kiều Quốc cựu; v.v..

Lão võ

Về ngoại hình, lão võ sẽ không khác đặc điểm chung của mô hình lão. Nếu có thì màu nền gương mặt thường sẽ là đỏ. Điểm phân biệt lão võ với lão văn chính là tác phong oai vệ, nhanh nhẹn, nghiêm nghị; hát - nói có lực hơn.

Other type of “lão”

Cũng giống như mô hình kép tròng xéo đỏ trong mô hình kép, mô hình lão lõa cũng là mô hình lão vượt qua khỏi những đặc điểm chung và có nhiều biện pháp “khoa sức” trong hóa trang: Mặt đỏ, có mảng trắng quanh mắt lan ra gò má, râu liên tu bạc; tác phong nóng nảy, quyết đoán. Ví dụ: Phàn Định Công (San Hậu); Trình Giảo Kim (Phàn Lê Huê phá Hồng thủy trận); v.v..
Ngoài ra còn có mô hình lão văn pha, lão tiều phu, lão ngư phủ, lão nhút, lão rụi, v.v.. song thường ít thấy và không có giá trị điểm nhấn trong kịch bản, thuộc vào loại nhân vật “dàn bao”.

Mô hình đào

“Đào” là thuật ngữ chỉ nhân vật thuộc giới tính nữ. Ngoại hình đào thông thường là thiếu nữ hoặc trung niên, phần lớn hóa trang mặt sạch, tác phong đoan trang; hát - nói trong sáng. Trong mô hình đào, chỉ có nhân vật Chung Vô Diệm, Đào Tam Xuân và Ngọc Kỳ Lân là hóa trang kiểu “mặt nạ”, còn lại hầu như đều là hóa trang mặt sạch. Mô hình đào cấp 2 sẽ được phân hóa như sau:

Đào văn

Mang đầy đủ những đặc điểm chung của mô hình đào, tác phong đoan trang, dịu dàng; hát - nói trong sáng. Trong đó, “đào trào” là kiểu nhân vật nữ tham gia việc triều đình chính thống; Ví dụ: Tạ Nguyệt Kiểu. Còn “đào trần/đào trâm cơ” là kiểu nhân vật thiếu nữ bình dân, hoặc xuất thân trâm anh nhưng lưu lạc dân dã, không đội mũ/ngạch, chỉ cài trâm; Ví dụ: Điều Huê Nữ.

Đào võ

Mang đầy đủ những đặc điểm chung của mô hình đào, song tác phong oai vệ, nghiêm trang; hát - nói có lực. Ví dụ: Thần Nữ (Thần Nữ dâng Ngũ linh kỳ); Đoàn Hồng Ngọc (Đãi yến Đoàn Hồng Ngọc); v.v.. Ngoài ra, những nhân vật đào hóa trang “mặt nạ” nêu trên (Chung Vô Diệm, Đào Tam Xuân, Ngọc Kỳ Lân) đều thuộc mô hình đào võ. Hóa trang theo hướng “khoa sức” của họ nhằm khắc họa bản lĩnh và tài năng phi thường.

Mô hình mụ

“Mụ” là kiểu nhân vật nữ (đào) cao tuổi; hóa trang phần lớn là mặt sạch, chân mày kẻ bạc trắng; tóc bạc; tác phong chậm chạp; hát - nói khàn. Đa số nhân vật thuộc mô hình mụ đều là mụ văn, tác phong nho nhã, khoan thai, từ tốn. Ví dụ: Đổng mẫu (San Hậu); Dương lịnh bà (Mộc Quế anh dâng cây) tuy có lai lịch là một lão nữ tướng nhưng thường được biểu hiện như một mệnh phụ tao nhã, bặt thiệp.

Mô hình nịnh

Mô hình nịnh: Là nhân vật nam thuộc phe phản diện; thường mặt trắng mốc, râu rìa. Mô hình nịnh cấp 2 gồm:

Nịnh gốc,Nịnh mụt

- Nịnh gốc: Mang tất cả đặc điểm chung của mô hình nịnh; đã có phe cánh vững mạnh. Ví dụ: Tạ Thiên Lăng.
- Nịnh mụt: Cũng mang tất cả đặc điểm chung của mô hình nịnh; song chưa có phe cánh vững mạnh. Ví dụ: Vưu Hồn, Bí Trọng (Bá Ấp Khảo).

Mô hình nịnh

Tuy có sự phân hóa, nhưng hai nhánh mô hình nịnh này có kỹ thuật biểu hiện không khác nhau mấy về tạo hình, chỉ phân biệt rõ ràng theo phong thái. Nếu như nịnh gốc thường có thái độ ngông nghênh, xem thường tất cả thì nịnh mụt chỉ bộc lộ phong thái hèn hạ, a dua, bợ đỡ.

Mô hình tướng - yêu đạo

So với các mô hình khác, mô hình tướng và yêu đạo (hay còn gọi là mô hình thầy rùa) là các mô hình nhân vật phản ánh đậm đà đặc trưng khoa sức của nghệ thuật hát bội từ kỹ thuật hát - nói, hóa trang đến vũ đạo. Điều đó làm cho khán giả, người thưởng thức đặt sự quan tâm nhiều đến các mô hình này.

Mô hình tướng

Mô hình tướng là mô hình nhân vật tiếp nhận một cơ số những đặc điểm về phong thái, hành động và vũ đạo của kép mang thuộc tính võ: Oai vệ, nhanh nhẹn; hát - nói có lực mạnh. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là hóa trang mặt của mô hình tướng là hóa trang kiểu “mặt nạ”, rất đa dạng và phong phú các hình thức biểu hiện theo lối tượng trưng, cách điệu. Tùy vào vai trò trong vở diễn chúng ta có tướng chính diện (tướng thuộc phe lương thiện, trung nghĩa) như Trịnh Ân (Trảm Trịnh Ân), Hoàng Phi Hổ (Bá Ấp Khảo), v.v.; và tướng phản diện (tướng thuộc phe ác, bất nghĩa) như Tạ Ôn Đình (San Hậu), Từ Hải Thọ (Gia hình loạn tướng), Ô Lợi Hắc (Thần Nữ dâng Ngũ linh kỳ), v.v.. Ngoài ra, mô hình tướng còn phân hóa sâu sắc hơn ở nhánh cấp độ 2 là tướng lớn và tướng nhỏ. Tướng lớn là các mô hình tướng vừa nêu ở trên, có vai vế xã hội, chiếm vai trò quan trọng trong kịch bản. Tướng nhỏ, ngược lại, là những nhân vật có vai trò không quá “chủ chốt” trong kịch bản như Châu Thương (Tử chiến Phàn thành), Tiết Quỳ (Tiết Giao đoạt ngọc), v.v..

Mô hình yêu đạo (thầy rùa)

Cũng giống như mô hình tướng, mô hình yêu đạo bao chứa nhiều đặc thù “khoa sức” của nghệ thuật hát bội. Tuy nhiên, yêu đạo thường được quan niệm là kiểu nhân vật phản diện, mang tính chất đối lập với những nhân vật chính diện, thừa hành chính nghĩa, công lý chiểu theo ý thức hệ phong kiến. Thêm nữa, những nhân vật này thường có gốc gác là các loài cầm thú tu luyện thành người nên hành động, phong thái cũng mô phỏng sâu sắc các loài vật. Hóa trang nhân vật vì lẽ đó cũng là một bản gợi ý những cách điệu, tượng trưng cho lai lịch của nhân vật. Ví dụ như Dư Hồng (Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu) nguyên là chim hồng nhạn tu luyện thành người nên họa tiết tròng mắt cũng mô phỏng motif hình chim, màu nền mặt là màu đỏ. Tạo hình nhân vật yêu đạo/thầy rùa thường dùng mắt thau để diễn tả mắt lộ kỳ quái, bụng to để chứa đựng phép mầu (nên con gọi là bụng phép), và phục trang mô phỏng cách ăn mặc của đạo sĩ Đạo giáo.

Highlight Video on Types of Vietnamese Hat Boi Characters

Conclusion

Vì lẽ đó, nhân vật kịch không phải là sự mô phỏng một cách sống động con người hiện thực mà là sự chắt lọc, gộp mẫu nhiều điển hình tính cách, nhân dạng con người. Như vậy, ngoài việc tham gia vào kịch bản, nhân vật trong sân khấu hát bội còn giữ vai trò thiết yếu trong kỹ thuật biểu hiện.

Hiếu Văn Ngư

Founded in 2020, Cultura Fish(Hiếu Văn Ngư, 好文魚) is a group of passionate members that come from various disciplines . Our core mission is to inspire and promotethe beauty of Vietnamese traditional practices and culture for the youth.