Description |
Sân khấu Dù Kê là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian đặc trưng của người Khmer. Dù Kê ra đời ở vùng Ba Sắc, Sóc Trăng với công lao to lớn của ông tổ Lý Cuôn.
Chủ đề được khai thác từ kho tàng văn học dân gian Khmer. Sân khấu, cảnh trí mang tính chất “sân khấu dàn bầu”, phông sơn thủy (có sẵn, kéo lên kéo xuống).
Các điệu múa cơ bản như luyện quân, chúc mừng, được mùa, mời nước… Động tác múa chia theo hai tuyến nhân vật: tuyến chính diện có động tác đĩnh đạc, dứt khoát (nam) và duyên dáng, mềm mại (nữ); tuyến phản diện có động tác cường điệu, dữ dằn.
Vũ đạo có quy định riêng cho các loại nhân vật: người (13), chằn (02) và con vật (01); vũ đạo cá nhân (04) và vũ đạo giao đấu (06).
Âm nhạc: nhạc cụ chủ yếu là bộ dây và bộ gõ, quan trọng nhất là “trô u” (đàn gáo); dàn nhạc Pinpet (ngũ âm). Âm nhạc có đặc trưng riêng, bài bản, khuôn mẫu, quy củ rõ ràng, sử dụng cho từng đối tượng, tính cách nhân vật.
Bài hát, làn điệu: có tổng số 163 bài (làn điệu, gồm các bài Lôm; bài Nô kô rek), trong đó 34 bài cổ truyền, chính thống; các bài còn lại chịu ảnh hưởng từ các loại hình nghệ thuật khác. Các bài hát được chia theo giọng nam và giọng nữ, nhân vật đặc thù như thợ săn, thần tiên, chằn nam, chằn nữ, vai hề. Đặc trưng của hát Dù Kê là kết thúc của tất cả các bài là hò đệm của tập thể bên trong sân khấu.
Nghệ thuật hóa trang theo những quy định riêng thể hiện tính cách của nhân vật: hoá trang đậm, rõ nét (con người - trắng, đỏ hồng; chằn – đỏ, đen; thần tiên - xanh lét)…
Đây là loại hình tổng hòa các loại hình nghệ thuật từ ca, múa, âm nhạc, vũ thuật, phục trang, hóa trang, hội họa và ẩm thực mang đặc trưng riêng của cộng đồng. Trước khi biểu diễn, họ cúng Tổ. Tích trò khai thác từ cốt truyện cổ tích, thần thoại dân gian Khmer.
|