Description |
Diễn ra từ ngày 18 đến ngày 21 tháng Giêng, tưởng nhớ Ngũ Hành Nương Nương - 5 vị phúc thần (Kim Đức Thánh Phi, Mộc Đức Thánh Phi, Thủy Đức Thánh Phi, Hỏa Đức Thánh Phi, Thổ Đức Thánh Phi), có công bảo hộ cư dân trong buổi đầu khai phá vùng đất.
Ngày 18, thực hiện các nghi thức: Khai môn thượng kỳ; Mộc dục; Khai chung cổ; Tụng kinh cầu an.
Ngày 19, diễn ra các trò chơi, nghệ thuật diễn xướng dân gian như: hát bóng rỗi, múa bóng, múa dâng lộc, múa bông huệ, múa ghế, múa khạp, múa dao, múa dâng rượu… thu hút nhiều người quan tâm. Trong đó, hát bóng rỗi và múa bóng là các điệu hát, điệu múa là hát, múa nghi lễ - mang tính chất thiêng của nghi lễ tâm linh. Buổi tối tổ chức lễ Đại Bội trước khi đoàn hát bội trình diễn các vở tuồng cổ.
Ngày 20 và 21, nhân dân tiếp tục thực hiện các nghi lễ truyền thống, như: lễ Túc yết, lễ Đoàn cả - lễ Tạ thần. Lễ vật quan trọng nhất là Heo yết - lợn lễ. Trong đó, lễ Đoàn cả là lễ lớn nhất, quan trọng nhất, tế lúc nửa đêm. Lễ vật gồm có lợn sống - heo yết, xôi, trầm, đèn, nhang, rượu, trà, nước. Các nghi thức trong lễ Đoàn cả gồm dâng hương, dâng rượu, dâng hiến quả phẩm, dâng trà, đọc chúc văn bằng chữ Hán; cắt một ô vuông vùng thịt đùi trước và đùi sau để tế thần; đốt chúc văn và vàng mã).
Các trò diễn dân gian tiếp tục trình diễn tại miếu Bà. Hấp dẫn nhất là trò diễn “Hát Chặp Địa Nàng” với sự tươi vui, hỏm hỉnh, có tính giáo dục rất lớn.
|