Description |
Diễn ra trong không gian rộng, gắn với các di tích như đình Tân Xuân, chùa Linh Phước, chùa Ông, miễu Điền, miếu Âm Nhơn, Thánh Thất Phương Quế Ngọc Đài, sông Tầm Vu… vào ngày 15 và 16 tháng Giêng, nhằm cúng tế nghĩa sĩ trận vong trong phong trào chống Pháp cuối thế kỷ 19 và cầu siêu cho các cô hồn.
Chuẩn bị: dựng giàn Ông Tiêu, làm Long Đình - Tứ Châu, dựng giàn thầy, dựng đài liệt sĩ, làm ghe phóng đăng, làm hình Ông Tiêu. “Ông Tiêu” là hình tượng quan trọng, được dựng kì công.
Ngày 15, Ban tổ chức làm lễ thỉnh ông Tiêu, thỉnh phật, thỉnh kinh, thỉnh thầy, khai kinh tụng cầu an, cúng tế liệt sĩ (bổn đạo Cao đài đảm nhiệm), Đề phan liệt sĩ (sư cả Phật giáo chủ trì). Buổi tối, có giao lưu đờn ca tài tử, xe hoa diễu hành quanh thị trấn.
Ngày 16 có các nghi thức lễ như: cúng cô hồn, thỉnh cỗ bánh, thỉnh Ông Tiêu lên giàn, thỉnh cô hồn, lễ chiêu u (cúng cô hồn), thỉnh kinh, đánh động, thỉnh thầy, phóng đăng, xô giàn - đưa khách.
“Ông Tiêu” là nhân vật trung tâm, quan trọng nhất của lễ làm chay. Ông còn có pháp danh là Tiêu Diện Đại sĩ, một hóa thân của đức Quan Thế Âm Bồ Tát. Theo Phật giáo và tâm thức dân gian, ông Tiêu là vị đứng đầu và cai quản thế giới ma quỷ. Hình tượng ông Tiêu cao khoảng 2 mét, mặc áo giáp trụ, đầu có sừng và có cả trăm gương mặt trên khắp thân người, lưỡi bằng giấy hồng dài gần nửa mét, là nơi tập trung mọi quyền lực, phép thuật của ông. Tượng ông Tiêu được đặt ở trong khuôn viên chùa Linh Phước. Sau đó, tượng ông Tiêu được rước về đình Tân Xuân để thực hiện các nghi thức. Kết thúc buổi lễ, hình ông Tiêu được đốt.
|