Description |
Nghề dệt chiếu lác ở huyện Cần Đước xuất hiện thế kỉ XVII - XVIII với hai nguyên liệu phổ biến ở địa phương là lác và đay. Lác gồm hai loại là: lác nước mặn và lác nước ngọt. Đay được dùng để tạo sợi dọc và sợi chân.
Khung dạo (lược go) là bộ phận quan trọng nhất của khung dệt chiếu. Trước khi dệt, người ta rũ lác, đảo lác và mắc sợi đay (sợi dọc, sợi chân) tạo thành mặt sợi dọc trên khung dệt. Khi dệt chiếu cần có hai người: một người dập khung dạo, một người chuồi sợi.
Mỗi loại chiếu lại có yêu cầu khác về kĩ thuật dệt. Kỹ thuật dệt gồm: dệt chiếu trơn và dệt chiếu hoa (hoa in và hoa dệt).
Chiếu trơn: kỹ thuật chùi sợi - người chùi sợi đan xen theo tuần tự một sợi gốc, một sợi ngọn đảo chiều nhau, bẻ bìa gốc cứ thế cho đến khi hoàn thành sản phẩm.
Chiếu hoa in: Chiếu trơn khô đặt lên mặt phẳng và căng cố định bốn góc. Đặt khung in lên mặt chiếu, sử dụng bàn chải lông hoặc cọ chấm mầu rồi quét lên khung in, mầu sẽ in lên chiếu. Khi mầu chiếu in đã khô thì tiến hành hấp chiếu bằng hơi nước (hấp hơi lạnh) để mầu in ngấm, ăn chặt vào sợi lác.
Chiếu hoa dệt: Kĩ thuật là dệt đan xen giữa các sợi lác nhuộm mầu và lác trắng làm nền. Một số loại chiếu hoa dệt là chiếu phệt, chiếu sọc biên, chiếu sọc mỹ, chiếu sọc mẹ. Dệt chiếu lẫy là kĩ thuật dệt chiếu hoa khó nhất, nghệ nhân dùng kỹ thuật lẫy là đè chân, cắt chân, nối chân của người dệt phối hợp với người chùi sợi để mầu của sợi lác chìm xuống hoặc nổi lên trên nền lác trắng để tạo ra hoa văn mà người nghệ nhân đã thiết kế sẵn. Có ba mô típ lẫy là: lẫy hình, lẫy chữ và lẫy hoa văn.
|