Description |
Nghề gốm Phù Lãng được tổ nghề là ông Lưu Phong Tú truyền dạy cho dân làng vào khoảng thời Trần, thế kỷ XIV và phát triển đến ngày nay.
Sản phẩm chính là gốm men nâu và những sắc độ của nó. Loại hình sản phẩm gồm gốm tín ngưỡng, gia dụng và đồ trang trí với đặc trưng nổi bật là sử dụng phương pháp đắp nổi theo hình thức chạm bong, còn gọi là chạm kép, màu men tự nhiên, bền và lạ; dáng của gốm mộc mạc nhưng khỏe khoắn và rất đậm nét của điêu khắc tạo hình.
Quy trình sản xuất được chuyên môn hoá với các tổ thợ: tổ lò, tổ chuốt, tổ hoạ tiết, tổ men, tổ làm sạch. Các công đoạn gồm: Chọn đất và xử lý đất sét; tạo hình trên bàn xoay (gốm gia dụng và gốm mỹ nghệ) và tạo hình bằng phương pháp in trên khuôn gỗ hoặc khuôn đất nung (gốm thờ cúng); ve, nạo sản phẩm; tráng men (chất liệu làm men tráng là tro của cây rừng, tàn tro trắng như vôi; hiện nay dùng tro của gỗ lim, sến, táu, nghiến, vôi sống, sỏi ống nghiền nát, bùn phù sa trắng); nung bằng củi để tạo ra những vết táp trên bề mặt gốm (nhiệt độ 1000 độ C, trong 3 ngày 3 đêm liên tục).
Sản phẩm gốm Phù Lãng có màu da lươn (nâu, nâu đen, vàng nhạt, vàng thẫm, vàng nâu), bóng khi gõ vào có tiếng vang. Có 3 dòng sản phẩm chính là gốm thờ (lưu hương, đài thờ, đỉnh), gốm gia dụng (lọ, bình, chum, vại, ống điếu) và gốm mỹ nghệ (tranh, chậu hoa, bình, ấm hình thú). Hồn cốt trong sản phẩm của gốm Phù Lãng được tạo nên từ sự dân dã, mộc mạc của nước men da lươn này. |