Description |
Lễ hội Xa Mã - Rước kiệu đình Hoàng Châu là hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh cộng đồng diễn ra hàng năm từ ngày 9 đến ngày 12 tháng 6 (âm lịch), với ngày hội chính là ngày 10 tháng 6. Lễ hội có lịch sử lâu đời, gắn liền với di tích lịch sử quốc gia đình làng Hoàng Châu được dựng cách đây khoảng 300 năm. Lễ hội nhằm kỷ niệm ngày dân làng dựng đình, tạ ơn các thánh thần luôn che chở, giúp đỡ cho ngư dân trong vùng được bình an, mùa đánh bắt bội thu.
Lễ hội diễn ra tại đình và các miếu thờ với các nghi lễ: Rước nước, Cáo yết, Xa giá- Rước kiệu, Tế yên vị. Nét đặc biệt của nghi lễ rước kiệu đình Hoàng Châu mang dấu ấn văn hoá vùng biển, không có cờ thần, cờ tiết mao, chấp kích, bát bửu, phường bát âm, chiêng trống. Thông thường, kiệu long đình được rước trước, đến kiệu mẫu Liễu Hạnh và các kiệu khác. Nhưng trong khoảnh khắc linh thiêng, các cỗ kiệu cùng phù giá cũng “bay”, phiêu linh cùng Thánh thần, kiệu không còn xếp theo một trật tự cố định. Người dân nơi đây cho rằng, khi kiệu bay là lúc Thánh ngự, kiệu quay tròn (cút) là Thánh chưa thỏa lòng du ngoạn. Trên đôi vai của những phụ giá, kiệu Thánh có thể bay đi khắp chốn trong vùng mà không theo sự chỉ định nào của con người và thời gian cũng không biết trước được điểm dừng. Đó là sự linh thiêng của lễ hội Xa Mã- rước kiệu đình Hoàng Châu.
Trước đây, trước mỗi lần rước kiệu Thánh là một lần “xa mã”. Hiện nay, có một chút thay đổi là: buổi sáng, tiến hành rước kiệu Thánh trước, sau đó mới “xa mã”. Buổi chiều thi xa mã trước, rước kiệu Thánh sau. Lễ rước kiệu được tiến hành sau khi chủ lễ đọc văn khấn. Lễ rước có sự tham gia của 6 cỗ kiệu gồm có: (1) kiệu long đình 4 người khiêng, là nữ quan của đội tế trong trang phục áo vàng khăn xếp; (2) kiệu bát cống đặt khám và thần tượng đức Thánh mẫu Liễu Hạnh, do 8 nữ tú trong trang phục áo đỏ, khăn xếp vàng, quần bó ống khiêng; (3) và (4) gồm 2 kiệu đòn trên đặt long ngai và hòm sắc của đức Đô nguyên soái và Phó nguyên soái được 8 nam thanh trong trang phục truyền thống khiêng; (5) và (6) gồm 2 kiệu đòn trên cũng đặt long ngai Đức vua Bà Nam Hải và Đức vua Đông Hải được 8 nữ tú khiêng.
Bên cạnh các hoạt động: chọi gà, cờ tướng, hát Quan họ, hát Chèo, cầu thùm dưới nước... thì trò diễn “xa mã” là không thể thiếu. “Xa mã” hay còn gọi là “thi kéo ngựa gỗ” để tái hiện cảnh rèn luyện, tập trận của binh sĩ thời xưa. Với sự tham gia của 2 đội chơi là một cặp âm dương, phản ánh ước vọng cầu sinh sôi, phát triển của người dân. Hai Xa mã - ngựa gỗ chạy mạnh mẽ, quyết liệt dưới sự điều khiển khéo léo, nhịp nhàng người chỉ huy. Mỗi đội phải chạy đủ 3 vòng sân, không chạm vạch, cũng như không làm tổn thương đến đối phương và các thành viên trong đội. Phần thưởng được trao cho đội thắng cuộc là lộc phẩm của Hội đình. Tham gia cuộc thi, cả người xem và người thi có cảm giác như được tham gia một buổi tập trận thực sự.
Lễ hội mang dấu ấn văn hoá vùng biển, thể hiện ước mong được thần linh phù trợ, mang tính giáo dục cao về đạo lý uống nước nhớ nguồn, tình yêu thương lao động. Với những giá trị độc đáo, tiêu biểu, Lễ hội xa mã - Rước kiệu đình Hoàng Châu được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia năm 2017. |