Description |
Hội Minh thệ (hay còn gọi là lễ hội Minh thề) thôn Hòa Liễu đã có từ hơn 500 năm nay, là dịp để người dân tưởng nhớ công lao của Thái Hoàng Thái hậu Vũ Ngọc Toàn, người có công lập ấp Lan Hiểu (thôn Hòa Liễu ngày nay) và ôn lại nội dung “Hịch văn hội Minh thề” (lời thề). Lễ hội diễn ra tại Khu Di tích lịch sử văn hóa Đền - Chùa Hòa Liễu (thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy), TP. Hải Phòng vào ngày 14-16 tháng Giêng hàng năm.
Theo lịch sử, nghi lễ này có từ thời nhà Mạc, năm 1561, Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toản (vợ của Thái Thượng Hoàng Mạc Đăng Dung) lập ra ấp Lan Niểu (nay là làng Hòa Liễu, xã Thuận Thiên). Bà quyên góp tu tạo ngôi chùa cổ Thiên Phúc Tự (nay là chùa Hòa Liễu). Sau khi tu tạo, phần kinh phí quyên góp còn dư, bà mua hơn 47 mẫu ruộng chia cho dân cày và làm ruộng công. Số ruộng này làng gọi là “Thánh điền”. Để đề phòng tư lợi, Thái Hoàng Thái Hậu và nhân dân trong làng lập ra Hịch văn Hội Minh thề với lời thề lấy chí công làm trọng, không xâm phạm của công. Lễ hội Minh thề đã ra đời từ đó và truyền lại cho đến ngày nay. Thế kỷ XIX, Triều đình nhà Nguyễn sắc phong bốn chữ vàng “Mỹ tục khả phong” cho Lễ hội Minh thề. Năm 1993, khu đền chùa Hòa Liễu được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, Lễ hội Minh thề được khôi phục.
Vào ngày chính hội, dân làng dựng một đài thề trước cửa chùa Hòa Liễu. Ban thờ được sắp đặt trang nghiêm, nổi bật là chiếc mũ quan đặt trang trọng lên chính diện ban thờ. Khi làm lễ, chủ tế dùng con dao bầu thực hiện động tác “chỉ trời vạch đất” (“thiết linh trích địa”) theo vòng tròn lớn có đường kính khoảng 2m ở giữa sân đền gọi là Đài thề. Chủ lễ cắm dao vào chính giữa vòng tròn ấy để thể hiện quyết tâm thực hiện lời thề. Sau đó, các vị chức dịch, bô lão trong làng làm lễ thắp hương khấn vái trời đất, các thần. Sau các nghi lễ: dâng hương, dâng hoa, dâng rượu, dâng nước tế Thần, vị Chủ lễ đứng trước đài thề đọc Hịch văn Minh thề. Nội dung lời thề là làm người phải chính trực, lấy của công làm việc công, nếu tham lam làm việc riêng sẽ bị trừng phạt. Sau phần đọc và tuyên thề là Nghi lễ cắt tiết gà, uống “Kim kê huyết tửu” diễn ra theo truyền thống. Mọi người trong làng uống rượu thề (tiết gà trống hoà rượu trắng) để cầu chúc tốt lành, lương tâm trong sáng và tham gia các hoạt động: kéo co, cờ tướng, chiếu chèo, thi chọi gà, ...
Lễ hội Minh thề không chỉ mang giá trị về lịch sử, văn hóa, mà còn góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, đạo đức, lối sống, tình làng, nghĩa xóm cho các thế hệ người dân địa phương. Năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Lễ hội Minh thề là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
|