Description |
Lễ hội Trò Ngô làng Giàng được tổ chức hai năm một lần, vào ngày 10/1 Âm lịch, nhằm ôn lại truyền thống chống giặc ngoại xâm, công lao lập làng, lập bản, bảo vệ nhân dân của hai vị Thượng Đẳng Thần Đức Thanh Lãng Cao Diệu Địch Cát và ông nghè Vũ Lôi Quận Công.
Trước lễ hội khoảng một tháng, nhân dân chuẩn bị cho việc tổ chức, phân công việc cụ thể cho mọi người và phải hoàn thành trước ngày 9 tháng Giêng. Sáng sớm ngày mùng 10, các thành viên đoàn làm lễ tế chay hôm trước và 8 trai đinh đóng vai tướng Kim Cương cùng đông đảo dân chúng tham dự hội gióng cờ, chiêng, trống, kèn, thanh la đến chùa Sơn Lộc và nghè Vũ Lôi Quận Công để làm lễ và rước các Thánh Thần ra dự hội.
Lễ hội diễn ra với các nghi lễ rước ngai thờ, tế thần. Để thực hiện các nghi thức tế lễ, làng cử ra một anh oản thường xuyên túc trực bên các ngai tại Ban Điện để lo thắp nhang, dâng trà, tửu, hương hoa cho các thánh thần. Cai đám quỳ gối thực hiện nghi lễ tế, hai bên là 8 quan viên tế đứng thành hai hàng dọc để thực hiện các nghi lễ dâng trà, rượu. Ngồi phía sau các quan viên tế là Lềnh cả, Lềnh hai, Hương trưởng, Bàn nhì của 12 dòng họ., nhân dân trong vùng cùng du khách thập phương đến dâng lễ, thắp hương, cầu mong một năm mới hạnh phúc và may mắn.
Sau khi Ban tế thực hiện nghi thức tế xong, nhân dân tham gia và thưởng thức các trò chơi, các tiết mục biểu diễn văn nghệ, các trò diễn dân gian đặc sắc như: Trò múa dậm- đây là trò diễn đầu tiên trong lễ hội. Trò tiến cống- trò diễn cảnh nhà Ngô cử đoàn sứ giả đến nước Nam tiến cống để cầu hòa. Trò diễn Sỹ - Nông - Công - Thương. Trò diễn sấm - chớp - mưa để cầu mong “mưa điều, phong vũ thuận cho trần gian dân làng làm ăn cấy cày, canh nông vi bản”. Trò diễn nghề trồng lúa nước. Trò diễn nghề trồng dâu nuôi tằm. Ngoài các trò diễn, cộng đồng còn tổ chức các trò chơi và trình diễn dân gian khác như: đánh đu, hát chèo.
Ngày 11 tháng Giêng, 24 lá cờ của 12 dòng họ được hạ xuống. Lễ bàn giao giữa Cai đám cũ và Cai đám mới diễn ra với sự tham gia của Cai đám cũ, Cai đám mới, Lềnh cả, Hương trưởng, Bàn nhì của 12 dòng họ cùng các lão làng tại khung thành hội. Hoàn tất việc bàn giao, Lềnh cả, Lềnh hai, 24 ông Hương trưởng, Bàn nhì, thầy chùa, phường kèn, Cai đám cũ, mới cùng các trai đinh rước các ngai và các mâm lễ từ khung thành hội quay trở về chùa Sơn Lộc và nghè Vũ Lôi Quận Công. Kết thúc lễ hội bằng bữa cơm tập thể tại chùa Sơn Lộc, gia đình nào không tham dự cũng được chia phần lộc thánh.
Lễ hội Trò Ngô làng Giàng tái hiện lại truyền thống chống giặc ngoại xâm, công lao lập làng, lập bản, bảo vệ cuộc sống của nhân dân. Lễ hội thể hiện những tri thức dân gian liên quan đến cầu mùa, thể hiện mối quan hệ bền chặt trong các dòng họ, tính cố kết cộng đồng, góp phần giáo dục các thế hệ hướng về cội nguồn của dân tộc. Với giá trị tiêu biểu, Lễ hội Trò Ngô làng Giàng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017.
|