Description |
Khu di tích đền Lảnh Giang nằm trên địa phận thôn Yên Lạc, xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên là một quần thể di tích có giá trị về mặt lịch sử - văn hóa - kiến trúc nghệ thuật lâu đời. Đền thờ 3 vị tướng thời Hùng Duệ Vương thứ 18 đã có công lớn dẹp tan giặc Thục, giữ yên bờ cõi giang sơn và thờ Chử Đồng Tử - Tiên Dung công chúa. Hiện đền Lảnh Giang lưu giữ nhiều di văn chữ Hán và đồ thờ giá trị.
Lễ hội đền Lảnh Giang diễn ra một năm 2 kỳ vào tháng 6 (từ ngày 18 đến 25) và tháng 8 (ngày 20) âm lịch, nhằm tỏ lòng biết ơn các vị thần bảo vệ người dân và cầu xin cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Lễ hội đền Lảnh Giang mới được phục hồi vào năm 1996 - là năm đền được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Hiện nay, lễ hội tháng 6 được người dân coi là lễ hội chính, lễ hội tháng 8 nhân dân chỉ làm lễ dâng hương và tế tạ.
Lễ hội diễn ra các nghi lễ: rước nước, rước thánh, lễ tế, lễ cáo...Ngày 18 tháng 6 âm lịch, nhân dân địa phương tổ chức lễ chồng kiệu, kéo cờ Thần trước cửa đền, ngày 21 bắt đầu làm lễ cáo yết. Các ngày từ 22 đến 24 tháng 6 là ngày chính tế và rước kiệu Thánh xung quanh đền. Trong đó ngày 24/6 là ngày chính tiệc của Quan Lớn Đệ Tam, thủ nhang đền Lảnh Giang tổ chức diễn xướng hầu thánh để đón tiệc từ sáng sớm. Đây chính là dịp để hát văn được trình diễn với không gian văn hóa mang đậm màu sắc Tín ngưỡng thờ Mẫu linh thiêng của người Việt ở đền Lảnh Giang. Ngày 25 tháng 6, tổ chức lễ tạ và hạ cờ, đóng cửa đền. Ngày 25 tháng 8 âm lịch, đền Yên Từ (xã Mộc Bắc, thị xã Duy Tiên) thờ Ngọc Hoa công chúa rước kiệu về bái vọng.
Lễ hội vào tháng 6 còn có trò bơi chải trên sông Hồng và lễ rước nước. Lễ rước nước từ sông Hồng vào đền Lảnh Giang theo tục thờ Thủy thần. Nước được lấy từ giữa sông Hồng đem về làm nước cúng và làm lễ tắm tượng của các đền trong khu di tích. Phần hội hết sức phong phú như: bơi trải, múa rồng, múa lân, hát chèo, hát chầu văn, võ vật, đấu cờ người, chọi gà, tổ tôm điếm, múa sư tử, thổi cơm trên quang gánh, các hoạt động thể thao, đuổi bắt vịt dưới nước, thi đánh gậy, đi cầu khỉ, kéo co...
Lễ hội thể hiện tín ngưỡng nông nghiệp, khát khao được thần thiên nhiên chở che và ước muốn chế ngự được sức mạnh của thiên nhiên của người dân bản địa. Năm 2017, Lễ hội đền Lảnh Giang đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. |