Description |
Lễ hội Katê của người Chăm là lễ hội quan trọng nhất của cộng đồng Chăm ở Ninh Thuận, diễn ra vào tháng 7 lịch Chăm hàng năm (khoảng tháng 10 Dương lịch). Đây là lễ hội nhằm tưởng nhớ các vị thần như: Po Klaung Garai, Po Rame... và ông bà tổ tiên.
Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Ninh Thuận thường diễn ra trong một không gian rộng lớn tại các đền tháp: Tháp Pô Klong Garai (phường Đô Vinh, TP. Phan Rang - Tháp Chàm), Tháp Pô Rômê (thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước) và Đền Pô Inư Nưgar (thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước), theo thứ tự trước sau, từ đền, tháp đến các làng và cuối cùng là đến gia đình tạo thành một dòng chảy của lễ hội Chăm phong phú, đa dạng.
Lễ hội Katê bao gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm các nghi thức hành lễ như: Nghi lễ đón y phục từ người em út Raglai từ núi xuống vào lúc 7h sáng; Mở cửa tháp mời các vị thần linh về dự và thụ hưởng lễ vật; Lễ tắm tượng thần; Lễ mặc y phục cho tượng thần Anguei Khan Aw Kapo; Đại lễ Adaoh Tâm quan trọng nhất, bắt đầu từ 9h - 11h;
Lễ hội Katê tại đền, tháp: Bắt đầu lễ hội Katê ở Ninh Thuận là nghi lễ cúng tế tại đền tháp được chỉ đạo bởi thầy cả sư. Người chủ lễ sẽ kéo đàn Kanhi và hát vang bài thánh ca, làm lễ dâng lên các vị thần. Sau đó, thầy cả sư sẽ chủ trì lễ tắm tượng do một số tu sĩ Bà La Môn thực hiện. Những lễ vật trong lễ hội Katê Ninh Thuận tại đền tháp bao gồm: 3 con gà, 1 con dê lớn, 3 ổ bánh gạo, 1 mâm cơm với muối vừng, 5 mâm cơm với thịt dê và canh cùng hoa quả tươi. Ngoài ra, lễ vật còn có thêm trứng, rượu, xôi chè, trầu cau…
Sau khi hoàn thành những nghi lễ trên, người dân sẽ trở về làng và tiếp tục các nghi thức khác.
Khi điệu múa thiêng trong tháp vừa kết thúc thì ở ngoài tháp bắt đầu mở hội. Lễ hội Katê tựa như Tết Nguyên đán của người Kinh. Phần hội sôi động với các điệu múa, làn điệu dân ca Chăm, tiếng trống Gi Năng, kèn Saranai, trình diễn dệt thổ cẩm, nghề nặn gốm, thi đội nước, đánh trống…
Lễ hội Katê tại các làng và gia đình: Nghi thức cúng và phần hội của lễ hội Katê Ninh Thuận được tổ chức song song với nhau. Trước khi diễn ra lễ hội, dân làng sẽ cùng nhau quét dọn đền thờ, trang hoàng cho Nhà Làng, đồng thời chuẩn bị sẵn đồ ăn, thức uống, sân bãi…Theo tín ngưỡng, mỗi làng sẽ thờ một vị thần nhưng đều là thần làng. Chủ tế -là người uy tín, được dân làng tin tưởng, sẽ thay mặt cho người dân dâng cúng lễ vật lên thần linh để cầu mong những điều tốt lành, may mắn, bình an.
Sau khi kết thúc lễ hội Katê ở làng, người Chăm sẽ trở về nhà của mình để làm lễ. Chủ lễ là người lớn tuổi nhất trong tộc họ. Đây là người sẽ thay mặt cả gia đình dâng lễ vật lên tổ tiên. Lúc này, tất cả các thành viên trong gia đình đều có mặt đầy đủ, mặc trang phục chỉnh tề và thành tâm cầu nguyện cho tổ tiên nhằm mong cầu những điều an lành.
Lễ hội Katê thể hiện ước vọng phồn thực, cầu mong cho sự sinh sôi nảy nở, mùa màng tươi tốt hướng đến cuộc sống bình an, sung túc. Với giá trị lịch sử, văn hóa to lớn, lễ hội Katê Ninh Thuận đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2017. |