Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc marks_1
  • Manage No, Sortation, Country, Writer ,Date, Copyright
    Manage No EE00002775
    Country Vietnam
    ICH Domain Traditional craft skills
    Year of Designation 2017
Translated by ChatGPT
Description Nghề làm gốm của người Chăm ở Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận là làng nghề sản xuất gốm có truyền thống lâu đời và tiêu biểu không chỉ ở Việt Nam mà còn ở khu vực Đông Nam Á. Gốm Bàu Trúc tồn tại từ khoảng cuối thế kỷ 12 đến nay, đây được xem là một trong số rất ít những làng gốm cổ ở Đông Nam Á còn giữ lại cách sản xuất thô sơ từ ngàn xưa. Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc làm bằng phương pháp thủ công, với nguyên liệu chính là đất sét và cát được lấy tại làng. Quy trình làm gốm truyền thống của người Chăm bao gồm nhiều khâu đoạn kết nối với nhau. Đầu tiên là việc chọn đất và lấy đất. Việc xử lý đất trước khi làm gốm quyết định đến chất lượng và hiệu suất sản phẩm sau khi nung. Sau khi lấy đất về, người ta đập nhỏ thành từng mảnh để lọc bỏ phần đất tạp, chỉ lấy đất sét vàng rồi đem ủ để giữ độ mềm. Lấy một khối đất vừa đủ, người phụ nữ Chăm uyển chuyển nhào nặn cho đất dẻo ra, sau đó đặt lên một chiếc chum to để tạo khối. Sản phẩm gốm được chế tác hoàn toàn bằng thủ công, “nắn bằng tay, không bàn xoay.” Nghệ nhân tự đi giật lùi quanh bàn chế tác tạo hình gốm và sử dụng kỹ thuật vuốt gốm độc đáo của nghệ nhân Chăm là vuốt thẳng (khác với cách vuốt ngang ở các làng gốm có sử dụng bàn xoay). Sau đó, họ dùng “vòng quơ” chải quanh thân gốm rồi lấy vải cuộn thấm nước quấn vào tay, chà cho mặt ngoài của gốm bóng láng. Tiếp đó là công đoạn trang trí hoa văn. Sau khi tạo hình, người ta để sản phẩm trong bóng mát đủ 24 tiếng đồng hồ rồi chà mỏng và tiếp tục phơi thêm 7 ngày cho khô hoàn toàn, sau đó mới đem nung. Nhờ vậy, sản phẩm sẽ “chín” kỹ và không bị nứt. Sản phẩm sau khi chế tác được nung lộ thiên. Tùy theo điều kiện nắng gió cộng với quá trình và kỹ thuật phun màu (chiết xuất từ dầu hạt điều, cây dông…) sẽ cho ra các sản phẩm có màu sắc đặc trưng như vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, vệt nâu lạ và đẹp mắt, thể hiện rõ nét văn hóa Chăm cổ xưa. Sản phẩm phục vụ sinh hoạt, trang trí và tín ngưỡng, tôn giáo như: bình gốm, bộ ấm chén, con vật, phù điêu... Màu sắc tự nhiên qua quá trình nung, ủ. Mỗi sản phẩm gốm Chăm đều thể hiện phong cách, tay nghề, sự khéo léo mang bản sắc riêng của từng người thợ. Ngoài các sản phẩm gốm dân dụng, nghề làm gốm Bàu Trúc còn đẩy mạnh phát triển dòng gốm trang trí, gốm mỹ nghệ, gốm lưu niệm có hàm lượng thẩm mỹ, cho giá trị kinh tế cao như: đèn gốm trang trí, đèn ngủ, lọ hoa, bình nước, bình trà, lục bình, tháp nước, …. Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc chứa đựng bí quyết và sự khéo léo của người thợ, tạo nên các sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa của người Chăm. Nghề làm gốm truyền thống của người Chăm có một vai trò to lớn trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Sản phẩm gốm không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày của mỗi gia đình và trong văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng người Chăm. Với những giá trị độc đáo, Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia (năm 2017), đồng thời Di sản này cũng đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách “Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp” (năm 2022).
Community Thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận
Incribed year in UNESCO List 2022

Information source
Vietnam National Institute Culture and Arts Studies (VICAS)
http://vicas.org.vn