Lễ Hát múa ăn mừng dưới cây Bông (Kin Chiêng Bọoc Mạy) của người Thái
  • Manage No, Sortation, Country, Writer ,Date, Copyright
    Manage No EE00002777
    Country Vietnam
    ICH Domain Social practices, rituals, festive events
    Year of Designation 2017
Translated by ChatGPT
Description Xuất phát từ tín ngưỡng thờ tướng quân Trần Công Bát ở đền Cấm, lễ Hát múa ăn mừng dưới cây Bông (Kin Chiêng Bọoc Mạy) được người Thái, xã Xuân Phúc tổ chức hàng năm vào ngày 15 tháng Giêng (âm lịch), để tỏ lòng biết ơn tổ tiên, trời đất, thần linh, cầu mong mưa thuận, gió hòa, cuộc sống ấm no, bình yên, hạnh phúc. Người Thái coi đây là một sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật của cộng đồng, vì thế mà mọi người trong làng, bản đều tham gia đông đủ. Lễ tục này thường kéo dài từ 1 đến 3 ngày đêm, nhằm thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt tinh thần của các tầng lớp nhân dân trong làng bản. Cây Bông là vật trung tâm của lễ hội, tượng trưng cho cuộc sống sinh sôi, nảy nở của bản mường, của tự nhiên. Nét đặc sắc nhất trong Lễ hội “Kin Chiêng Boọc Mạy” là việc hát múa dưới cây bông. Cây bông được làm bằng tre hoặc luồng, hoa cây bông được làm từ cây dâu, cây sắn, cây chục bục với các hình chim, thú, dụng cụ lao động sản xuất. Tùy thuộc vào thế hệ nhà Mo mà cây bông được làm từ 3, 5, 7 đến 9 hay 12 tầng. Hiện cây bông trong Lễ hội “Kin Chiêng Boọc Mạy” ở làng Roọc Răm, xã Xuân Phúc được phép làm 9 tầng (tức là đã trải qua 9 đời thầy Mo), với hàng ngàn hoa đồng tiền từ 30 đến 40 cánh. Mỗi cây bông được đồng bào ví như một số phận con người, mỗi bông hoa là một mùa vụ. Lễ hội được chia làm hai phần: Phần lễ là các nghi thức tâm linh-là những bài cúng cơ bản được các thầy mo kể về sự tích lập bản, lập mường, ca ngợi tổ tiên, những người có công. Người nhập vai "Thần", đóng vai "Mường trời" trong Lễ hội “Kin Chiêng Boọc Mạy” - Hát múa ăn mừng dưới cây bông đã mượn cái "uy" của thần để răn dạy người đời làm những điều tốt lành, không làm điều ác, sống yêu thương nhau. Phần hội là hệ thống gồm 26-50 trò diễn do thầy mo môn hoặc các “mo khách” thể hiện như: chặt củi, làm rẫy, múa kiếm, quét nhà, người thổi khèn bè... mỗi trò đều có một vị thần linh từ Mường Trời xuống tham dự (do thầy mo đóng). Bên cạnh đó còn có phần chơi những loại nhạc cụ truyền thống: Cồng chiêng, khua luống, trống, boong bu, khèn, sáo; cùng các trò chơi dân gian như: Hát khặp, nhảy sạp, đánh mảng, kéo co, ném còn... và giao lưu văn hóa ẩm thực. Tất cả nghi lễ, trò diễn đều diễn ra dưới cây Bông. Lễ Hát múa ăn mừng dưới cây Bông có ý nghĩa cố kết cộng đồng, mang tính giáo dục truyền thống cao trong cộng đồng. Thông qua lễ tục này, toàn bộ đời sống của cộng đồng được tái hiện, bao gồm các hoạt động sản xuất, văn hóa ứng xử, tín ngưỡng… tạo nên một hình thái văn hóa nghệ thuật đặc sắc, độc đáo. Từ những giá trị văn hóa tinh thần và lâu đời, Lễ hội “Kin Chiêng Boọc Mạy” - Hát múa ăn mừng dưới cây bông của làng văn hóa Roọc Răm xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi vào danh sách Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, năm 2017.
Community Xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa

Information source
Vietnam National Institute Culture and Arts Studies (VICAS)
http://vicas.org.vn