Description |
Lễ hội Kỳ Yên đình Bình Thủy, thành phố Cần Thơ mỗi năm đáo lệ 2 lần là Thượng điền (giữa tháng 4 âm lịch) và Hạ điền (giữa tháng 12 âm lịch), trong đó, Kỳ yên Thượng điền là lễ hội lớn nhất trong năm tại đình, được tổ chức vào ngày 12 - 15 tháng Tư Âm lịch để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màn tươi tốt.
Ngày 11, các nghi thức diễn ra chuẩn bị cho lễ hội gồm: Lễ mở cửa tam quan, lễ tế đất, cúng tiên thường, lễ trình sanh. Lễ hội diễn ra các nghi lễ: Lễ tế Thần Nông, Lễ Thay khăn Sắc Thần, Lễ Xây chầu - Đại bội, Lễ Chánh tế, Lễ tế Sơn Quân... Sáng sớm ngày 12, diễn ra lễ tế Thần Nông tại miếu để tưởng nhớ Thần Nông nghiệp. Lễ vật là bộ tam sanh trong lễ trình sanh hôm trước, đã được giết thịt và heo quay, rượu, bánh, hoa quả, nhang đèn...Tiếp đó, nghi lễ đầu tiên là lễ thỉnh sắc thần du ngoạn bằng long xa phụng tán, sau đó đoàn xe rước sắc quay trở về đình làm lễ an vị. Khi sắc thần du ngoạn, hai bên đường các gia đình đều bày mâm lễ vật nghinh đón thần để cầu mạnh khỏe, bình an, làm ăn khá giả. Buổi trưa, 12 giờ, là lễ thay khăn sắc Thần. Chủ lễ làm lễ xin được thay khăn mới cho sắc phong. Sau đó là lễ Xây chầu - Đại bội tại đình Bình Thủy, theo hình thức xây bán văn bán võ, kết hợp hài hòa, cân đối giữa xây chầu văn và xây chầu võ. Trước khi bắt đầu lễ Xây chầu, Chủ tế làm lễ khấn mời Thành Hoàng về dự và nghe hát bội. Sau đó, trống chầu nổi lên với 360 dùi để bắt đầu nghi lễ. Lễ Xây chầu thể hiện ý nghĩa khai thông thái cực, hòa hợp lưỡng nghi, cầu an. Lễ Đại bội do các đào kép trong gánh hát bội trình diễn, cụ thể hóa lễ Xây chầu bằng hình tượng nhân vật kết hợp phục trang, điệu múa và lời hát qua các nghi tiết: nhứt thái (nhứt trụ), lưỡng nghi, tam tài, tứ tượng, ngũ hành trình tự với số lượng người diễn xướng: 1, 2, 3, 4, 5…
Sáng ngày 13 là lễ tế tại gian chánh điện. Sáng ngày 14, diễn ra Lễ Túc yết để nghinh thần. Lễ vật đặc biệt có con heo đã cạo lông, 1 chén huyết, 1 chén lông. Chủ lễ đọc xong Văn tế thì được mang đi hóa. Sáng ngày 15 là lễ Chánh tế, nghi thức quan trọng nhất trong lễ cúng đình. Đây là lễ cúng Thần trong kỳ lễ Thượng điền, để tạ Thần, cúng Tiền hiền, Hậu hiền. Lễ vật dâng cúng Thần là 1 con heo trắng, cùng 1 chén huyết và các lễ vật khác. Sau lễ Chánh tế là lễ Tôn vương do diễn viên hát bội Ban Tế tự đình thực hiện. Tiếp theo là lễ tế Sơn Quân tại miếu Sơn Quân, hay còn gọi là miếu ông Hổ.
Ngoài nghi lễ và trình diễn hát bội, lễ hội đình Bình Thủy còn tổ chức các hoạt động như: thi thổi xôi, trình diễn ẩm thực địa phương, hát tuồng cổ, cùng với các trò chơi dân gian như: đua thuyền, kéo co, đập nồi (bịt mắt), nhảy bao bố… thu hút nhiều người tham gia.
Lễ hội Kỳ Yên đình Bình Thủy với những nghi lễ đậm tính nhân văn, là dịp để gắn kết cộng đồng, người dân tụ họp vui chơi thư giãn để bắt đầu vụ mùa mới. Lễ hội Kỳ Yên đình Bình Thủy là minh chứng quan trọng về lịch sử định cư của người Việt trên vùng đất này. Sắc phong vua ban và ngôi đình thờ Thành Hoàng thể hiện sự công nhận của chế độ quân chủ về mặt hành chính, sự hình thành làng xã. Với giá trị tiêu biểu, Lễ hội Kỳ Yên đình Bình Thủy được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2018. |