Description |
Lễ hội "Cầu ngư" ở Quảng Bình được tổ chức vào ngày Rằm tháng Giêng với ý nghĩa ra quân đánh bắt hải sản, mong muốn vươn khơi thuận buồm xuôi gió. Đặc biệt, lễ rước kiệu Thành hoàng tại đình thờ tổ và nghi lễ đọc văn tế Thần Ngư ở Linh Ngư miếu luôn là phần độc đáo nhất trong lễ hội "Cầu ngư" Cảnh Dương. Ngư dân, chủ tàu thuyền, các thành viên tổ hợp tác, hợp tác xã tập trung về Đền thờ Ngư Linh Miếu và An Cầu Ngư, dâng hương, dâng lễ vật cúng tế Thần Ngư - hai bộ xương cá voi khổng lồ mà người dân thường gọi là cá Ông và cá Bà. Đội hình rước kiệu gần ba, bốn trăm người trong những bộ trang phục truyền thống đẹp mắt. Cùng với đó, cảnh cờ, lọng, kiệu, hoa… và mô hình con thuyền, cùng đoàn lân sư rồng đã mang đến không khí lễ hội sôi động.
Phần nghi lễ quan trọng nhất trong Lễ hội Cầu ngư là nghi lễ đọc văn tế Thần Ngư. Một vị cao niên có uy tín nhất được làng được lên dâng hương và đọc văn tế. Bài văn tế thể hiện sự biết ơn đối với việc che chở, nâng đỡ của cá Ông và cá Bà đối với ngư dân trong những chuyến đi biển, cũng như lời nguyện cầu mong muốn của ngư dân về một mùa biển yên bình, bội thu.
Sau nghi lễ là các hoạt động phần hội với các trò chơi dân gian mang tính truyền thống, như: lắc thúng, đua thuyền, thi đan lưới,... Ngoài ra, các hoạt động khác như: bóng đá bãi biển, hội thi ẩm thực.
Lễ hội "Cầu ngư" ở làng biển Quảng Bình tích hợp nhiều hình thức nghệ thuật truyền thống, diễn xướng dân gian, mang bản sắc và đặc trưng riêng như: múa bông, chèo cạn, hội thi bơi trải…. Ấn tượng nhất là màn chèo cạn-hò khoan được kết hợp từ lời ca, giai điệu của những làn điệu mượt mà, trữ tình (gồm mái ba, mái nện, hò khoan); Độc đáo có điệu múa chạy chữ (hay múa động đăng), là hình thức múa tập thể, vừa cầm đèn bông vừa múa, vừa sắp xếp thành các chữ Hán: “thiên-hạ-thái-bình”, “cầu ngư-đắc lợi”… nhằm cầu cho đất nước được yên bình, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Điệu múa linh hoạt, kết hợp và ăn nhập với âm nhạc từ các nhạc cụ dân tộc, như: kèn, sanh tiền, xập xèng, trống…
Lễ hội cầu ngư ở Quảng Bình hàm chứa nhiều giá trị văn hóa và có ý nghĩa quan trọng trong việc cố kết cộng đồng. Với những giá trị đặc trưng về văn hóa, lịch sử, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Lễ hội cầu ngư của người dân vùng biển thuộc các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, thị xã Ba Đồn và TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, năm 2018. |