Description |
Trong các nghi lễ vòng đời của người Raglai, Lễ bỏ mả được coi là nghi lễ quan trọng nhất. Lễ bỏ mả được thực hiện từ năm thứ ba đến năm thứ năm. Thường tổ chức vào khoảng tháng ba, tháng tư dương lịch, trong 3-5 ngày với ý nghĩa từ biệt người chết vĩnh viễn theo quan niệm của người Raglai. Quy mô lễ hội diễn ra rộng lớn, thu hút cả làng và nhiều làng khác đến tham gia. Tùy theo điều kiện kinh tế và phong tục địa phương mà họ làm lớn hay nhỏ.
Đối với đám bỏ mả lớn thì thường có Kagor - biểu tượng tài sản tượng trưng cho sự giàu sang phú quí mà người sống làm để tặng cho người chết. Một vật lễ hình dáng chiếc thuyền, chạm khắc đẹp và công phu. Những lễ vật và vật dụng được dùng trong Lễ bỏ mả thường được gia đình người quá cố chuẩn bị trước hàng tháng, gồm 3 mâm cúng: Mâm 1: Gà, cơm, rượu, 1 đôi đũa; Mâm 2: Thủ lợn, gan lợn luộc, gà luộc, cơm, rượu, chuối…; Mâm 3: Gà, cơm, rượu, thịt… Theo phong tục, trong Lễ bỏ mả phải có 3 thày cúng, tượng trưng cho ba phần của cơ thể: đầu, mình, chân. Thầy cúng chính luôn đứng ở chính giữa hai người khác, gọi là vị Yanuh jalat (người chỉ đường, chỉ thức ăn, đồ uống… cho ma). Cây “gậy thần” (gai toah) được làm từ ngày có người chết, đến bây giờ ông Yanuh jalat mới đem ra sử dụng.
Ngoài phần nghi lễ, Lễ bỏ mả có đánh mã la, đâm trâu, múa hát, uống rượu cần mừng cho linh hồn người chết được siêu thoát. Trong lễ này có sự đóng góp của mọi người trong dòng họ và cộng đồng Raglai.
Lễ Bỏ mả của người Raglai thể hiện tình cảm, trách nhiệm của người sống đối với người chết, đồng thời thể hiện sự đền ơn đáp nghĩa với ông bà, báo hiếu cha mẹ và tình làng nghĩa xóm gắn kết bền chặt. Với giá trị tiêu biểu, Lễ Bỏ mả của người Raglai, xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2018. |